Văn chương không phải là nơi để biểu diễn những kiến thức hay khuynh hướng của chúng ta

Bài viết này do Cổ Ngư ghi lại cuộc phỏng vấn trực tiếp nhà thơ Du Tử Lê trong chương trình Du Tử Lê, Thi ca & Âm nhạc do Thư viện Diên Hồng tổ chức tại Paris, ngày 05/06/2004. Vì thế, người đọc sẽ có dịp so sánh cách sử dụng ngôn ngữ rất « đời thường » của nhà thơ trong bài tường thuật này với các bài phỏng vấn được chuẩn bị trên giấy mực đã thực hiện từ trước đến nay.

Cổ Ngư : Thưa nhà thơ, độc giả của Thư viện Diên Hồng, có nhiều người đã biết đến và yêu chuộng thơ Du Tử Lê từ lâu. Quá trình sáng tác liên tục của ông có chiều dài của thời gian và độ dày của số lượng các tác phẩm. Nhưng tất cả đều có sự khởi đầu. Xin ông nói về thời gian bắt đầu làm thơ, gửi thơ đăng báo. Những bài thơ đầu tiên ấy có ảnh hưởng gì không đến sự nghiệp của ông, sau này ?

Du Tử Lê : Bài thơ đầu tiên dùng bút hiệu Du Tử Lê được đăng trên tạp chí Mai năm 1958. Thời đó, người ta đối đãi rất trân trọng với các văn-nghệ sĩ. Tạp chí nhắn tin, mời ông Du Tử Lê ghé tòa soạn lấy nhuận bút hay báo biếu gì đó. Lúc ấy, tôi không muốn cho mọi người biết tôi còn quá nhỏ, nên không xuất hiện. Ðược thấy tên mình trên bìa tờ tạp chí, cùng với tên của các ông Dzoãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thiệu Lâu, đối với tôi, đó là một hạnh phúc, vượt ngoài mơ ước của mình. Sau đó là tạp chí Văn Hữu của cơ quan Văn hóa Á châu, rồi Bách Khoa. Riêng ở tạp chí Văn, thì tới năm 1964 (?), Văn số 4 mới đăng bài đầu tiên của tôi. Khi đó, tôi không quen ai ở báo Văn cả. Anh Trần Phong Giao cũng nhắn tôi đến toà soạn. Thời đó, báo Văn chia các tác giả ra làm hai loại. Loại thứ nhất, khi có bài đăng, được nhắn đến để cho báo biếu, sau một thời gian, tùy quyết định của tòa soạn, tác giả đó có được nhuận bút hay không. Khi anh Trần Phong Giao nhắn, tôi có nhờ một người bạn lớn tuổi, đến toà soạn, nhận là Du Tử Lê để lấy báo biếu thay cho tôi. Sau này, khi tôi trở thành người viết thường xuyên cho báo Văn, tôi đến, anh Trần Phong Giao hỏi : « Có gì chứng minh là Du Tử Lê không, vì người đến nhận báo biếu trước đây lại là một người khác ». Tôi trả lời : « Không có gì để chứng minh cả, tin thì cho tôi báo và nhuận bút, không tin thì tôi đi về » ! Sau đó, anh Trần Phong Giao nói : « Ðược rồi, đưa thẻ căn cước đây » ! Anh ấy ghi tên thật của tôi, và tôi ký nhận, là đã nhận năm chục đồng, tiền nhuận bút của báo Văn !

Tiếp tục đọc