Ghi nhanh về chương trình nhạc « Tôi Yêu »

CỔ NGƯ

Chương trình nhạc chủ đề Tôi Yêu đã được Thư viện Diên Hồng tổ chức tại phòng Bruxelles (FIAP, Paris) vào ngày chủ nhật 05/10/2003. Chương trình được chia làm hai phần, nhằm giới thiệu các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Hưng cùng những sáng tác mới của Trang Thanh Trúc, Mộng Trang, Ngô Càn Chiếu, Lê Hoài Anh, Trần Lê Khang và Nguyễn Linh Quang.

Phần 1 của chương trình « Tôi Yêu » mở đầu bằng bài nói chuyện của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, giới thiệu thân thế, sự nghiệp sáng tác cùng việc phân tích, dẫn giải một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Hưng(*). Tiếp đó, Tố Lan, Phương Khanh, Đăng Siêu, Kim Tuấn, Bạch Thảo, Mộng Trang và Lê Hoài Anh lần lượt giới thiệu đến thính giả năm nhạc phẩm : Tôi yêu, Lúa mùa duyên thắm, Con có Chúa, Ru em (thơ Phạm Ngọc) và ca khúc quen thuộc Lối về xóm nhỏ, ra đời cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Phần 1 của chương trình kết thúc với hai câu hỏi phỏng vấn Trang Thanh Trúc về đĩa nhạc Những ngày tháng không tên, gồm mười hai tình khúc phổ từ thơ Phạm Ngọc, cùng phần trình bày của Tố Lan và Mộng Trang với hai nhạc phẩm của Trang Thanh Trúc : Những ngày tháng không tên, Giọt thời gian say.

Trong phần giải lao, các thính giả đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện và mua các tập nhạc, đĩa CD Tôi yêu, Những ngày tháng không tên với chữ ký lưu niệm của hai tác giả Trịnh Hưng và Trang Thanh Trúc. Nhiều thính giả cho biết, bấy lâu nay vẫn quen thuộc với các giai điệu của Lối về xóm nhỏ hoặc Tôi yêu, nhưng không hề biết đó là những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Hưng, người nhạc sĩ không có thói quen thích xuất hiện trước đám đông. Phần giới thiệu chương trình sinh động, tự nhiên của Huệ Châu và Đăng Siêu cũng được nhiều người chú ý khen ngợi. Cần ghi nhận thêm, bên cạnh sự hiện diện đông đảo của các văn-nghệ sĩ Việt Nam sống tại Pháp, phần góp mặt bất ngờ của nhà thơ Phạm Ngọc, đến từ Hoa Kỳ, đã là niềm khuyến khích lớn lao cho ban tổ chức chương trình nhạc chủ đề « Tôi yêu ».

phần 2, những ca khúc giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng được gần hai trăm thính giả chăm chú thưởng thức. Đa số những ca khúc này đều do chính các tác giả tự trình bày : Ngô Càn Chiếu với Để cho nỗi nhớBiệt khúc, Mộng Trang, khuôn mặt trẻ nhất trong chương trình, vừa tự đệm guitare vừa hát Hoa vẫn nở bên đờiĐợi chờ, Lê Hoài Anh trình bày nhạc phẩm Sầu tình, phổ từ thơ Hồng Vũ Lan Nhi, Nguyễn Linh Quang với Mộng (Đăng Siêu hát) và Sát na yêu (hát chung với Huệ Châu, phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Dương Kiền). Đặc biệt, để tưởng niệm nhạc sĩ Lê Hựu Hà vừa mất tại Sài Gòn trong tháng 05/2003, Trần Lê Khang đã sáng tác ca khúc Ước vọng. Nhạc phẩm này được tác giả hát chung với Mộng Trang và tiếng guitare bass của Xuân Sơn. Tiếp ngay sau Ước vọng, một bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Hãy ngước mặt nhìn đời, được trình bày tứ ca. Nhịp điệu vui tươi, trẻ trung của ca khúc được nhiều thính giả vỗ tay cùng hát, kéo theo phần kết thúc chương trình bằng nhạc phẩm Lối về xóm nhỏ, với sự hoà ca của cả người trình diễn lẫn thính giả tham dự chương trình.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết, suốt trong năm mươi năm sáng tác âm nhạc, đây là lần đầu tiên, ông được dịp đứng trên sân khấu để nhìn xuống một cử tọa đông đảo, vừa vỗ tay vừa hát một ca khúc của mình. Nỗi xúc động của ông, chính là món quà quý giá nhất mà Thư viện Diên Hồng nhận được từ buổi chiều nhạc chủ đề « Tôi yêu ». Những e-mail gửi đến hộp thư của Thư viện Diên Hồng liên tiếp những ngày sau đó, khen ngợi việc liên tục giới thiệu những sáng tác mới từ hơn mười năm nay, đã động viên tinh thần các anh chị em rất nhiều. Hy vọng trong năm 2004, kỷ niệm hai mươi năm thành lập tủ sách Thư viện Diên Hồng, mọi người sẽ có dịp tham dự vào nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú và tươi trẻ.

(*)Nội dung bài nói chuyện của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên cùng một số hình ảnh của chương trình nhạc chủ đề « Tôi yêu » đã được đưa lên trang nhà : http://www.ifrance.com/vanchuong