Mục tiêu
Thư viện Diên Hồng là một hội đoàn hoạt động với mục đích :
- cung cấp sách vở, báo chí tiếng Việt cho mọi người định cư tại vùng Île-de-France theo thể thức mượn trả của thư viện ;
- góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam tại Pháp, đồng thời tạo môi trường trao đổi cho giới trẻ, qua một vài sinh hoạt phụ, mà chủ yếu là văn nghệ.
Do một nhóm cựu học sinh Lớp Việt văn trường Louis-le-Grand đề xướng năm 1983, chương trình tạo dựng một tủ sách tiếng Việt tại vùng Paris được hoàn tất năm 1984. Thành công này có được là nhờ công lao giúp đỡ của nhiều bạn bè và lòng ủng hộ tận tình của nhiều bậc phụ huynh, trong đó có cô Nguyễn Hoàng Mai — giáo sư lớp Việt văn — và ông Gustave Meillon — giám đốc Institut de l’Asie du Sud-Est. Chính ông Meillon đã cho Thư viện mượn trụ sở của viện Đông Nam Á.
Thư viện Diên Hồng không phải là một thư viện chuyên nghiệp. Các thành viên chỉ làm việc với tinh thần phục vụ cộng đồng. Vì vậy, giờ giấc mở cửa của Thư viện hơi eo hẹp. Tuy nhiên, Thư viện luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu quý vị độc giả.
Hiện nay, tủ sách Thư viện gồm khoảng 30 nguyệt san và 4000 quyển sách. Đại đa số sách (90%) bằng Việt ngữ, đủ thể loại. Số sách còn lại bằng ngoại ngữ liên quan ít nhiều đến Việt Nam, Đông dương hoặc Á châu.
Sinh hoạt
Ngoài sinh hoạt chính yếu là tủ sách, Thư viện thỉnh thoảng còn tổ chức
- những buổi thuyết trình, trao đổi với các nhà văn hoặc nhân vật tiếng tăm trong cộng đồng ;
- những buổi ra mắt sách hoặc văn nghệ giới thiệu ca khúc mới.
Những sinh hoạt trên không có tính cách thường xuyên. Nếu bạn muốn được thông báo về sinh hoạt Thư viện, hãy viết cho chúng tôi. Một bản tóm lược các sinh hoạt vừa qua hoặc sắp tới có trên site này, trong phần Tin tức. Nếu các bạn có ý kiến mới mẻ nào về sinh hoạt và sẵn sàng tổ chức, Thư viện rất hoan nghênh.
Sự tích
Năm Giáp Thân (1284), nhà Nguyên khởi binh tiến đánh nước Đại Việt lần thứ hai. Vào thời đó, đế quốc Mông cổ đã diệt xong triều Tống, chiếm hẳn Trung Hoa, mở mang bờ cõi đến tận Đông Âu. Trước thế lực đáng sợ của giặc, vua Trần Nhân Tông bèn triệu các bô lão về kinh đô để trưng cầu dân ý. Sau nhiều ngày thảo luận về câu hỏi « nên hòa hay chiến » tại điện Diên Hồng, các bô lão đều đồng thanh&nbps;: xin đánh. Trong sử ký Việt nam, giai thoại trên thường được nhắc nhở, tuyên dương dưới danh hiệu Hội nghị Diên Hồng. Óc sáng suốt của các bô lão được lịch sử chứng minh về sau : đoàn quân xâm lăng của Hốt Tất Liệt đã phải bị thảm bại trên đất Việt…
Xét về từ ngữ Hán-Việt, Diên (延) có nghĩa là « dài » [diên thọ], Hồng (洪) có nghĩa là « lớn » [hồng thủy]. Tuy nhiên, trong con tim người Việt, hai chữ đó đã rời xa cung điện Dài và Lớn thuở xưa để biểu hiện cho sự hòa hợp tư tưởng, sự tương đồng quan điểm. Điều mà các chính trị gia ngày nay hằng mơ ước khi sắp có một cuộc bầu cử !
Năm Quý Hợi (1983), nhân dịp một cuộc cắm trại do Lớp Việt văn trường Louis-le-Grand tổ chức, một số học sinh đã trình diễn vở kịch Hội nghị Diên Hồng và đã gây được nhiều cảm hứng với các bạn khác. Từ đó, nảy sinh ý định thành lập một tủ sách tiếng Việt. Vào thời đó, việc tìm hiểu và hấp thụ kiến thức về văn hóa Việt nam rất khó khăn, vì sách báo Việt ngữ rất hiếm, mà mạng Internet cũng chưa ra đời… Cho nên, dự án này được các học sinh nhiệt liệt hưởng ứng. Tên của thư viện Việt nam đầu tiên tại Paris được chọn để tưởng nhớ đến không khí hăng say của toàn thể các bạn « trẻ » ấy.