Ghi nhanh về chương trình « Ra mắt sách của Kiệt Tấn, Nam Dao và & CD nhạc Nguyễn Linh Quang »

CỔ NGƯ

Được thành lập từ 1984, thư viện Diên Hồng liên tục hoạt động suốt hơn hai mươi năm qua tại Paris. Bên cạnh việc cho mượn sách báo, từ năm 1991, thư viện Diên Hồng muốn bắc một nhịp cầu cảm thông giữa người sáng tác và người thưởng ngoạn bằng cách tổ chức giới thiệu ca khúc mới, triển lãm tranh, ảnh, tượng của các bạn trẻ, cũng như tác phẩm của những nhà văn, nhà, thơ, nhạc sĩ đã thành danh. Thí dụ, bên cạnh việc giới thiệu các tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đại Bằng (Đi tìm Kinh Dịch nguyên thủy), Y Chi (Chân trần), sáng tác nhạc của những người trẻ như Nguyễn Phương, Ngô Ngọc Tuệ, Bảo Trâm, Trang Thanh Trúc, Mộng Trang, Linh Chi, Linh Diệu, Ngô Càn Chiếu, Lê Hoài Anh, Diên Thụy, Trần Lê Khang, Nguyễn Linh Quang, thư viện Diên Hồng cũng đã giới thiệu đến khán giả Paris CD nhạc của ca sĩ Nguyễn Thành Vân, các tác phẩm của các nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Phạm Duy, Trịnh Hưng, giáo sư Bạch Thái Hà, nhà thơ Du Tử Lê, nhà phê bình văn học nghệ thuật Thụy Khuê, nhà văn Miêng, dịch giả Phan Huy Đường, vở kịch Nước Non Ngàn Dặm do Mạch Nha dàn dựng, dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Hồ Minh Dũng…

Ngày thứ bảy 19/05/2007 vừa qua, như một tiếp nối, thư viện Diên Hồng đã giới thiệu đến trên dưới một trăm năm mươi khán giả bộ tiểu thuyết lịch sử Bể dâu của nhà văn Nam Dao, Tuyển tập Kiệt Tấn của nhà văn Kiệt Tấn (cả hai đều do NXB Văn Mới in ấn), và đĩa CD Mộng của Cổ Ngư-Nguyễn Linh Quang.

Nhà văn Mai Ninh mở đầu chương trình bằng lời giới thiệu trân trọng và súc tích về các tác phẩm của Nam Dao, đặc biệt quan tâm đến hai bộ tiểu thuyết lịch sử gây nhiều chú ý : Gió lửaĐất trời. Bể Dâu, bộ thứ ba, chính là phần cuối của trilogie.

Phát biểu về tiểu thuyết lịch sử, Nam Dao nói :

Trong tiểu thuyết lịch sử, quá khứ là lịch sử nhìn bởi nhà văn, nhà văn như chủ thể. Đó là thứ quá khứ tái chiếm hữu và tái tạo từ vị thế của chủ thể. Tiếp cận quá khứ từ hiện tại dĩ nhiên đèo bồng những vấn nạn đương thời. Đèo bồng đó đến khi thì từ ý thức, khi từ vô thức, nhưng ít hay nhiều đều nhằm truy nguyên nguồn căn của những vấn nạn đang tồn tại. Tại sao? Có lẽ vì hiện tại nào cũng là tổng hợp những thành tựu và thất bại trong quá khứ nên dưới mặt nổi của đời sống hôm nay có rất nhiều dấu vết những người trăm năm cũ tưởng như đã không còn. Những dấu vết đó hiển nhiên là sinh lý qua truyền giống, là tâm lý qua văn hóa. Rồi trí tuệ. Và cả tâm linh. Nói gộp cho gọn, đối tượng của tiểu thuyết lịch sử chủ yếu là văn hóa, không phải là sự cố và những con người có tên trong lịch sử.

Phần nói trên, là mặt tiếp cận quá khứ từ hiện tại. Mặt ngược lại, tiểu thuyết lịch sử mang khả năng phê phán hiện tại qua cách đảo ngược và xoay ngang những sự cố cũng như tính chất những con người trong quá khứ. Tưởng tượng, Nguyễn Huệ không chết sớm, Minh Mệnh không tàn sát giáo dân, Tự Đức nghe và làm theo điều trần của Nguyễn Trường Tộ, vv… thì hôm nay thế nào ? Với cách nhìn như vậy, hiện tại mang cái khả năng « khác được ». Tiểu thuyết lịch sử, trên quan điểm này, không trốn chạy. Lẩn vào quá khứ để chiếm hữu và tái tạo lịch sử, tiểu thuyết là sự dấn thân của nhà văn nhằm phục sinh một hiện tại cần tháo gỡ hầu thoát khỏi những bế tắc. Vì thế, tiểu thuyết lịch sử thật ra là một tập hợp những dự phóng về một tương lai có thể có được. Chính sự khả hữu này làm đổ mồ hôi và cả nước mắt trong công việc viết văn.

Rời không khí văn chương đậm chất Hà thành của Nam Dao và Mai Ninh, khán giả hứng thú theo dõi phần hỏi đáp đầy màu sắc Nam bộ của hai nhà văn Đặng Mai Lan và Kiệt Tấn. Duyên dáng với những câu hỏi gợi mở, Đặng Mai Lan đã giúp khán giả hiểu rõ hơn về thân thế, về văn phong, cách dựng truyện cũng như hướng viết trong tương lai của Kiệt Tấn. Tác giả của những truyện ngắn nổi tiếng : Nụ cười tre trúc, Năm nay đào lại nở, Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi, Vườn chanh miệt biển, Bến đò trao thơ, Yêu em xứ tuyết, Em điên xõa tóc, với lối nói chuyện dí dỏm, đã tạo nhiều tiếng cười hưởng ứng từ phía người nghe. Trong phần nói chuyện của mình, ông bày tỏ lòng trân trọng sự hiện diện của luật sư Trần Thanh Hiệp, một trong những người còn sót lại của nhóm Sáng Tạo, là nhà xuất bản đã in tập thơ đầu tay «Điệp khúc tình yêu và trái phá» của Kiệt Tấn năm 1966.

Để minh họa, nhà văn Mai Ninh cùng ban kịch thư viện Diên Hồng diễn đọc trích đoạn Bể dâu của Nam Dao và Người em xóm Học của Kiệt Tấn.

Sau phần giải lao, ký sách, trò chuyện giữa người viết và người đọc, nhà văn Mạch Nha đưa dẫn người nghe vào thế giới âm nhạc của Cổ Ngư-Nguyễn Linh Quang bằng những giai thoại, những trao đổi trực tiếp/gián tiếp với người hát, hoặc với tác giả các bài thơ được phổ nhạc (Du Tử Lê, Dương Kiền…).

Các tiếng hát Tố Lan, Mộng Hương, Mộng Trang, Thái Hà, Hồng Anh, Bạch Thảo, Kim Tuấn, Xuân Thành, Đăng Siêu cùng phần hòa âm của Duy Cường, Hải Sơn, Lê Hoài Anh, Quang Đạt, Quang Ngọc, Trần Hoài Phương, Trần Lê Khang đã lần lượt trình bày mười một ca khúc Nguyễn Linh Quang, từ bài hát đầu tay Em Trưng Vương sáng tác năm 1980 tại Sàigòn đến À la baie des Anges (Nơi bãi Thiên Thần), viết tại Paris năm 2006, theo ý thơ và truyện ngắn Kiệt Tấn.

Chương trình kết thúc bằng ca khúc Bằng Hữu, được người sáng tác, cùng tất cả bạn bè và khán giả sôi nổi hát chung với nhau.

Phỏng vấn RFI về chương trình « Ra mắt sách và CD Kiệt Tấn, Nam Dao, Nguyễn Linh Quang »

Ngày 18/05/2007 vừa qua, ban Việt ngữ đài phát thanh RFI (Radio France Internationale) đã phỏng vấn hai nhà văn Kiệt Tấn và Cổ Ngư về buổi Ra mắt sách và CD Kiệt Tấn, Nam Dao, Nguyễn Linh Quang do Thư viện Diên Hồng tổ chức sắp tới. Xin mời các bạn nghe lại tiết mục Paris Văn nghệ hôm đó.

Văn chương không phải là nơi để biểu diễn những kiến thức hay khuynh hướng của chúng ta

Bài viết này do Cổ Ngư ghi lại cuộc phỏng vấn trực tiếp nhà thơ Du Tử Lê trong chương trình Du Tử Lê, Thi ca & Âm nhạc do Thư viện Diên Hồng tổ chức tại Paris, ngày 05/06/2004. Vì thế, người đọc sẽ có dịp so sánh cách sử dụng ngôn ngữ rất « đời thường » của nhà thơ trong bài tường thuật này với các bài phỏng vấn được chuẩn bị trên giấy mực đã thực hiện từ trước đến nay.

Cổ Ngư : Thưa nhà thơ, độc giả của Thư viện Diên Hồng, có nhiều người đã biết đến và yêu chuộng thơ Du Tử Lê từ lâu. Quá trình sáng tác liên tục của ông có chiều dài của thời gian và độ dày của số lượng các tác phẩm. Nhưng tất cả đều có sự khởi đầu. Xin ông nói về thời gian bắt đầu làm thơ, gửi thơ đăng báo. Những bài thơ đầu tiên ấy có ảnh hưởng gì không đến sự nghiệp của ông, sau này ?

Du Tử Lê : Bài thơ đầu tiên dùng bút hiệu Du Tử Lê được đăng trên tạp chí Mai năm 1958. Thời đó, người ta đối đãi rất trân trọng với các văn-nghệ sĩ. Tạp chí nhắn tin, mời ông Du Tử Lê ghé tòa soạn lấy nhuận bút hay báo biếu gì đó. Lúc ấy, tôi không muốn cho mọi người biết tôi còn quá nhỏ, nên không xuất hiện. Ðược thấy tên mình trên bìa tờ tạp chí, cùng với tên của các ông Dzoãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thiệu Lâu, đối với tôi, đó là một hạnh phúc, vượt ngoài mơ ước của mình. Sau đó là tạp chí Văn Hữu của cơ quan Văn hóa Á châu, rồi Bách Khoa. Riêng ở tạp chí Văn, thì tới năm 1964 (?), Văn số 4 mới đăng bài đầu tiên của tôi. Khi đó, tôi không quen ai ở báo Văn cả. Anh Trần Phong Giao cũng nhắn tôi đến toà soạn. Thời đó, báo Văn chia các tác giả ra làm hai loại. Loại thứ nhất, khi có bài đăng, được nhắn đến để cho báo biếu, sau một thời gian, tùy quyết định của tòa soạn, tác giả đó có được nhuận bút hay không. Khi anh Trần Phong Giao nhắn, tôi có nhờ một người bạn lớn tuổi, đến toà soạn, nhận là Du Tử Lê để lấy báo biếu thay cho tôi. Sau này, khi tôi trở thành người viết thường xuyên cho báo Văn, tôi đến, anh Trần Phong Giao hỏi : « Có gì chứng minh là Du Tử Lê không, vì người đến nhận báo biếu trước đây lại là một người khác ». Tôi trả lời : « Không có gì để chứng minh cả, tin thì cho tôi báo và nhuận bút, không tin thì tôi đi về » ! Sau đó, anh Trần Phong Giao nói : « Ðược rồi, đưa thẻ căn cước đây » ! Anh ấy ghi tên thật của tôi, và tôi ký nhận, là đã nhận năm chục đồng, tiền nhuận bút của báo Văn !

Tiếp tục đọc

Ghi nhanh về chương trình nhạc « Tôi Yêu »

CỔ NGƯ

Chương trình nhạc chủ đề Tôi Yêu đã được Thư viện Diên Hồng tổ chức tại phòng Bruxelles (FIAP, Paris) vào ngày chủ nhật 05/10/2003. Chương trình được chia làm hai phần, nhằm giới thiệu các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Hưng cùng những sáng tác mới của Trang Thanh Trúc, Mộng Trang, Ngô Càn Chiếu, Lê Hoài Anh, Trần Lê Khang và Nguyễn Linh Quang.

Phần 1 của chương trình « Tôi Yêu » mở đầu bằng bài nói chuyện của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, giới thiệu thân thế, sự nghiệp sáng tác cùng việc phân tích, dẫn giải một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Hưng(*). Tiếp đó, Tố Lan, Phương Khanh, Đăng Siêu, Kim Tuấn, Bạch Thảo, Mộng Trang và Lê Hoài Anh lần lượt giới thiệu đến thính giả năm nhạc phẩm : Tôi yêu, Lúa mùa duyên thắm, Con có Chúa, Ru em (thơ Phạm Ngọc) và ca khúc quen thuộc Lối về xóm nhỏ, ra đời cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Phần 1 của chương trình kết thúc với hai câu hỏi phỏng vấn Trang Thanh Trúc về đĩa nhạc Những ngày tháng không tên, gồm mười hai tình khúc phổ từ thơ Phạm Ngọc, cùng phần trình bày của Tố Lan và Mộng Trang với hai nhạc phẩm của Trang Thanh Trúc : Những ngày tháng không tên, Giọt thời gian say.

Tiếp tục đọc

Phạm Duy, con én đưa thoi

CỔ NGƯ

Bác Phạm Duy đến Paris giữa những ngày xuân rực rỡ. Trời xanh ngắt, nắng tươi và ấm, hoa đào hoa táo chíu chít nở trĩu cành. Sau bốn năm không gặp, bác vẫn thế, có gầy hơn, nhưng khỏe ra. Bốn năm, so với tuổi đời tám mươi mốt của bác, hình như chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng thật ra, đầy biến động : bác Thái Hằng mất, bác phải giải phẫu tim, rồi cùng các con về Việt Nam vài lần, thăm miền Bắc sau năm mươi năm xa cách, gặp lại miền Nam kể từ buổi chia ly tháng Tư 1975. Bác Phạm Duy đã hài lòng khi thực hiện được một trong những mơ ước cuối đời, dù trễ hơn dự định đôi chút :

Hẹn em nhé,
Năm 2000 sẽ
Hai bên cửa hé
Cho anh trở về…

Việt Nam, cuối cùng, đã lại trở thành một trong những điểm đi-về trên con đường viễn du vô định của người nghệ sĩ. Tôi nhìn bác, nghe bác, và chỉ mong sao có được một nửa cái sinh lực cuồn cuộn nơi người đối diện. Niềm yêu sống phát ra từ ánh mắt, miệng cười, những cái khoát tay, từ lối nói « lộng ngôn » hào hứng đầy thách thức, buộc người nghe phải luôn cảnh giác theo dõi, không được có cái thái độ ơ hờ thụ động thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý (không hiểu sao, tôi lại liên tưởng đến nhà văn Nguyễn Tuân cùng những giai thoại về ông, và nghĩ, nếu được sống như ý muốn, có lẽ Nguyễn Tuân cũng sẽ có cách nói phớt đời như thế). Niềm yêu sống còn phát ra từ những dự định đường dài : thực hiện cho xong bốn bức « Minh Họa Kiều », những CD-ROM về âm nhạc Việt Nam, về gia đình Phạm Duy… « Kiều 1 » đã hoàn tất từ bốn năm trước, lần này, bác Phạm Duy đem thêm « Kiều 2 » đến giới thiệu với thính giả Paris đúng vào ngày thứ hai Phục Sinh 01/04/2002. Cũng là ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Tiếp tục đọc