Phạm Duy, con én đưa thoi

CỔ NGƯ

Bác Phạm Duy đến Paris giữa những ngày xuân rực rỡ. Trời xanh ngắt, nắng tươi và ấm, hoa đào hoa táo chíu chít nở trĩu cành. Sau bốn năm không gặp, bác vẫn thế, có gầy hơn, nhưng khỏe ra. Bốn năm, so với tuổi đời tám mươi mốt của bác, hình như chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng thật ra, đầy biến động : bác Thái Hằng mất, bác phải giải phẫu tim, rồi cùng các con về Việt Nam vài lần, thăm miền Bắc sau năm mươi năm xa cách, gặp lại miền Nam kể từ buổi chia ly tháng Tư 1975. Bác Phạm Duy đã hài lòng khi thực hiện được một trong những mơ ước cuối đời, dù trễ hơn dự định đôi chút :

Hẹn em nhé,
Năm 2000 sẽ
Hai bên cửa hé
Cho anh trở về…

Việt Nam, cuối cùng, đã lại trở thành một trong những điểm đi-về trên con đường viễn du vô định của người nghệ sĩ. Tôi nhìn bác, nghe bác, và chỉ mong sao có được một nửa cái sinh lực cuồn cuộn nơi người đối diện. Niềm yêu sống phát ra từ ánh mắt, miệng cười, những cái khoát tay, từ lối nói « lộng ngôn » hào hứng đầy thách thức, buộc người nghe phải luôn cảnh giác theo dõi, không được có cái thái độ ơ hờ thụ động thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý (không hiểu sao, tôi lại liên tưởng đến nhà văn Nguyễn Tuân cùng những giai thoại về ông, và nghĩ, nếu được sống như ý muốn, có lẽ Nguyễn Tuân cũng sẽ có cách nói phớt đời như thế). Niềm yêu sống còn phát ra từ những dự định đường dài : thực hiện cho xong bốn bức « Minh Họa Kiều », những CD-ROM về âm nhạc Việt Nam, về gia đình Phạm Duy… « Kiều 1 » đã hoàn tất từ bốn năm trước, lần này, bác Phạm Duy đem thêm « Kiều 2 » đến giới thiệu với thính giả Paris đúng vào ngày thứ hai Phục Sinh 01/04/2002. Cũng là ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Tiếp tục đọc

Hình ảnh « Minh Họa Kiều 1 & 2 »

Xin mời các bạn xem một số hình ảnh của chương trình Minh Họa Kiều 1 & 2 do Thư viện Diên Hồng tổ chức hôm chủ nhật 01/04/2002.