Bài viết này do Cổ Ngư ghi lại cuộc phỏng vấn trực tiếp nhà thơ Du Tử Lê trong chương trình Du Tử Lê, Thi ca & Âm nhạc do Thư viện Diên Hồng tổ chức tại Paris, ngày 05/06/2004. Vì thế, người đọc sẽ có dịp so sánh cách sử dụng ngôn ngữ rất « đời thường » của nhà thơ trong bài tường thuật này với các bài phỏng vấn được chuẩn bị trên giấy mực đã thực hiện từ trước đến nay.
Cổ Ngư : Thưa nhà thơ, độc giả của Thư viện Diên Hồng, có nhiều người đã biết đến và yêu chuộng thơ Du Tử Lê từ lâu. Quá trình sáng tác liên tục của ông có chiều dài của thời gian và độ dày của số lượng các tác phẩm. Nhưng tất cả đều có sự khởi đầu. Xin ông nói về thời gian bắt đầu làm thơ, gửi thơ đăng báo. Những bài thơ đầu tiên ấy có ảnh hưởng gì không đến sự nghiệp của ông, sau này ?
Du Tử Lê : Bài thơ đầu tiên dùng bút hiệu Du Tử Lê được đăng trên tạp chí Mai năm 1958. Thời đó, người ta đối đãi rất trân trọng với các văn-nghệ sĩ. Tạp chí nhắn tin, mời ông Du Tử Lê ghé tòa soạn lấy nhuận bút hay báo biếu gì đó. Lúc ấy, tôi không muốn cho mọi người biết tôi còn quá nhỏ, nên không xuất hiện. Ðược thấy tên mình trên bìa tờ tạp chí, cùng với tên của các ông Dzoãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thiệu Lâu, đối với tôi, đó là một hạnh phúc, vượt ngoài mơ ước của mình. Sau đó là tạp chí Văn Hữu của cơ quan Văn hóa Á châu, rồi Bách Khoa. Riêng ở tạp chí Văn, thì tới năm 1964 (?), Văn số 4 mới đăng bài đầu tiên của tôi. Khi đó, tôi không quen ai ở báo Văn cả. Anh Trần Phong Giao cũng nhắn tôi đến toà soạn. Thời đó, báo Văn chia các tác giả ra làm hai loại. Loại thứ nhất, khi có bài đăng, được nhắn đến để cho báo biếu, sau một thời gian, tùy quyết định của tòa soạn, tác giả đó có được nhuận bút hay không. Khi anh Trần Phong Giao nhắn, tôi có nhờ một người bạn lớn tuổi, đến toà soạn, nhận là Du Tử Lê để lấy báo biếu thay cho tôi. Sau này, khi tôi trở thành người viết thường xuyên cho báo Văn, tôi đến, anh Trần Phong Giao hỏi : « Có gì chứng minh là Du Tử Lê không, vì người đến nhận báo biếu trước đây lại là một người khác ». Tôi trả lời : « Không có gì để chứng minh cả, tin thì cho tôi báo và nhuận bút, không tin thì tôi đi về » ! Sau đó, anh Trần Phong Giao nói : « Ðược rồi, đưa thẻ căn cước đây » ! Anh ấy ghi tên thật của tôi, và tôi ký nhận, là đã nhận năm chục đồng, tiền nhuận bút của báo Văn !
Những bước đầu đó có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi nghĩ là tôi kém may mắn hơn đa số văn nghệ sĩ có mặt ở đây, ở chỗ, tôi trải qua một đoạn đường đi rất dài, nghĩa là tôi luôn luôn ở trong tình trạng « gửi bài lai cảo ». Tôi gửi bài rất nhiều cho các báo, và họ thường xuyên in tên tôi trong danh sách « nhận được, cám ơn », bởi vì, nói qua về sinh hoạt văn chương của miền Nam ngày xưa, nếu quý vị không có người trong tòa báo, nếu quý vị không có người giới thiệu, không có người đỡ đầu, rất khó có thể trở thành tác giả. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình tha thiết với văn chương, nếu mình không có con đường nào khác hơn là con đường văn chương, mình cứ nên theo đuổi nó, cuối cùng, tôi may mắn được chấp nhận. Nhưng tôi tin, các bạn ở đây, không ai trải qua con đường chông gai như tôi cả ! Thời của tôi, tôi không được may mắn như những anh chị em khác ! Nói như vậy, nhưng cuối cùng, tôi cũng đã được nhìn nhận, bằng chứng, chính là sự hiện diện của quý vị trong chương trình ngày hôm nay.
Cổ Ngư : Xin ông cho biết sơ qua về các khuynh hướng, thể loại, cũng như những đề tài sáng tác chính trong mấy mươi năm qua.
Du Tử Lê : Giống như những người cùng thời, lúc đầu, tôi làm thơ lãng mạn, vì ảnh hưởng văn thơ tiền chiến, thời ấy, còn nhiều lắm. Sau này, phong trào thơ tự do lên cao, tôi cũng làm thơ tự do. Nhưng, tôi muốn nói: Thời khởi đầu của tôi, tôi không hề có một ý niệm gì về văn chương cả! Cũng giống như một fashion, một phong trào về quần áo, thời đó, người ta thích cái gì thì tôi đi theo phong trào đó. Mãi về sau này, khi mất nước, nhìn lại, tôi mới thấy: Nhà văn miền Nam đã rất vô trách nhiệm với đất nước, tổ quốc, quê hương của mình. Và tôi nghĩ rằng: Văn chương không phải là nơi để biểu diễn những kiến thức hay khuynh hướng của chúng ta. Sở dĩ tôi nói vậy, vì trước khi mất nước, thì, mặc dù phong trào Nouveau roman – Tân tiểu thuyết đã có từ lâu ở Pháp, khi du nhập vào Việt Nam, đã qua gần hai mươi năm rồi, đã tàn phai ở Pháp rồi, nhưng lúc đó, nó mới đến với chúng tôi, và chúng tôi lao vào Nouveau roman, rồi Anti-nouveau roman, với tất cả cái hãnh diện, cho rằng mình là avant-garde, bước những bước đầu tiên. Nhưng, thứ nhất, nó đã lỗi thời đối với thế giới, thứ hai, giữa cái tang tóc, chết chóc như vậy, mà nhà văn Việt Nam chạy theo những cái đó, thì tôi cho là hoàn toàn vô trách nhiệm. Sau này, thưa quý vị, kể từ ngày mất nước, tôi mới có ý thức về văn chương của mình. Ý thức đây, không phải là văn chương của tôi phải cứu quốc, cứu nước gì cả, nhưng tôi phải làm một điều gì đó mới mẻ, khác đi cho văn chương của mình. Ít nhất, việc này có thể giúp cho những thế hệ đi sau tôi, hoặc, khi tôi nói chuyện với sinh viên các đại học Mỹ, tôi có điều gì đó để nói. Vì vậy, sau này, tôi có nhiều nỗ lực, mặc dù, tất cả những nỗ lực để cách tân, đổi mới của tôi thường nhận được rất nhiều mỉa mai, phỉ báng. Thí dụ, có nhiều người đăng bài trên báo, viết rằng tôi là người vô học, không biết sử dụng dấu phẩy. Ðại khái là như vậy… Nhưng, sau này, gần đây thôi, ở hải ngoại cũng như trong nước, người ta bắt đầu sử dụng dấu phẩy, dấu chấm, không chỉ trong bài, mà ngay nơi nhan đề, luôn cả nhan đề nơi bìa sách, là điều mà cách đây mười năm, chúng ta không hề thấy có… Ngay những nỗ lực cách tân thể lục bát của tôi, từ nhiều chục năm qua, bây giờ, cũng đã được nhiều người công nhận, áp dụng ; kể cả việc chấm dứt một bài lục bát ở câu 6 chữ thay vì 8 chữ như lệ thường, cũng đã có thêm nhiều người áp dụng…
Cổ Ngư : Ðã có rất nhiều bài viết xoay quanh nội dung thơ ca Du Tử Lê. Về hình thức, người ta thường chú ý đến hai điểm : sự cách tân lục bát, bằng cách dùng nhịp lẻ, nhịp chỏi, cách ngắt câu, xuống hàng… và việc dùng các dấu câu, như nhà thơ vừa nhắc đến, nhất là dấu gạch nghiêng (slash). Xin nhà thơ cho biết, ông có dụng ý gì trong việc dùng dấu slash trong các câu thơ của mình.
Du Tử Lê : Tôi xin nói vắn tắt, vì trên sân khấu và giới hạn thời gian, chúng ta không thể đi sâu vào chuyên môn. Trước hết, văn phạm mà chúng ta có được ngày hôm nay là do mọi người đồng thuận với nhau. Ngoài năm dấu đã có, tôi nghĩ, tại sao lại không thể dùng dấu thứ sáu, dấu slash (/). Thứ đến không phải tôi lập dị, nhưng vì tôi nhớ, lúc bé, có đọc được một câu nói của người Pháp : người đọc là tác giả thứ hai. Sau này, khi lớn lên, suy nghĩ lại, tôi mới thấy đó là một câu mị người đọc. Nếu quý vị đọc truyện của ông Mai Thảo, thơ của ông Nguyên Sa, quý vị thích hay không thích, nhưng quý vị không thể thực sự trở thành một tác giả thứ hai. Tác giả thứ hai là gì ? Là người có thể hoán chuyển, có thể làm bài thơ đó trở thành một bài thơ khác. Ðúng lúc ấy, trên thế giới, computer trở thành một biến cố lớn của nhân loại. Chúng ta biết có nhiều cuộc cách mạng lớn : cách mạng về kỹ nghệ, cách mạng về điện tử, cách mạng về computer… Tôi muốn phản ảnh thời đại của mình, vì chỉ ở thời đại điện toán, chúng ta mới có dấu slash, và tôi đã dùng dấu slash đó cùng với những chữ của tôi. Như vậy, tôi minh thị với người đọc rằng : người đọc của tôi có thể hoán chuyển các chữ, để tạo một cấu trúc mới cho câu thơ, bài thơ. Nói cách khác, tôi chỉ là người xây dựng sẵn tòa nhà và mọi người có thể di chuyển những cột, kèo trong tòa nhà đó theo ý muốn của họ. Tôi không đem đến cho người đọc một ready meal, một bữa ăn sẵn mà người đọc không có quyền thay đổi món ăn. Nhưng nếu tôi không dùng dấu slash, người đọc sẽ không hiểu, vì dấu slash chính là một symbol, một ký hiệu, biểu tượng được dùng, để quý vị hiểu rằng : quý vị có thể biến bài thơ của tôi thành bài thơ, câu thơ của quý vị. Như vậy, tôi xin lặp lại, khi dùng dấu slash, mục đích của tôi là để người đọc thực sự trở thành tác giả thứ hai, chứ sẽ không bị thụ động, không phải ăn một món ăn, một TV dinner chẳng hạn, tức là, người đọc có quyền tham dự vào việc chế biến món ăn của mình.
Cổ Ngư : Ông có dự định gì không cho việc chuẩn bị những hướng đi mới trong hiện tại, cũng như trong tương lai ?
Du Tử Lê : Chỉ nội việc sử dụng dấu phẩy, dấu slash, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhận được nhiều biếm nhẽ, bỉ thử, cho nên, chắc tôi cần phải có thêm một thời gian nữa trước khi đưa ra một thử nghiệm nào khác.
Tuy nhiên, nếu cần phải nói thêm thì, trong những năm tháng tới, tôi sẽ khai triển thử nghiệm hoán vị Chủ thể / Subject với Khách thể / Object. Một cách cực kỳ vắn tắt thì: Từ trước tới giờ, chúng ta (chủ thể) quan sát một sự vật, việc (khách thể) và sau đó, cho nó một kết luận. Hơn năm năm qua, tôi đã bắt đầu (chưa nhiều lắm) thử nghiệm cái mà tôi mới nói là hoán đổi vị trí Khách thể thành Chủ thể và ngược lại.
Thí dụ, nếu con chó, con mèo, chiếc lá cành cây… nói được, thì chúng sẽ nói gì về chúng ta ?
Cổ Ngư : Những người theo dõi thường xuyên các hoạt động của nền âm nhạc Việt Nam từ quốc nội ra đến hải ngoại chắc đều có chung một nhận xét : thơ của Du Tử Lê có một cái « duyên » rất lớn đối với nhạc. Xin ông cho biết : Vì sao thơ của ông lại được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc đến như vậy?
Du Tử Lê : Ðây là một câu hỏi khó cho tôi. Có lẽ phải nhờ các nhạc sĩ nào đã phổ thơ của tôi vào ca khúc trả lời hộ câu hỏi này.
Cổ Ngư : Vậy, xin hỏi nhà thơ câu hỏi khác, chắc là dễ trả lời hơn : hiện có khoảng bao nhiêu ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê ? Và ai là người đưa thơ Du Tử Lê vào nhạc sớm nhất ? Trong ca khúc nào ?
Du Tử Lê : Có khoảng trên ba trăm ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê. Anh Song Ngọc phổ khoảng 50 bài, nhạc sĩ Anh Bằng không dưới 20 bài, Ðỗ Vy Hạ ở Boston cũng không dưới 20 bài. Một người bạn trẻ ở Việt Nam mà tôi chưa được gặp mặt, Khang Thụy, cũng đã phổ trên 50 bài thơ của tôi, và có nhờ nhạc sĩ Trần Quảng Nam chuyển đến cho tôi các ca khúc của anh. Chỉ riêng bốn người vừa nêu tên, đã viết hơn 100 ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê rồi ! Nhưng người đầu tiên đưa thơ của tôi đến với âm nhạc lại không phải là nhạc sĩ, mà là một ca sĩ : anh Mai Trường. Anh Mai Trường cũng còn là một lực sĩ đẹp. Anh ấy đọc được bài thơ Thư cho em của tôi đăng trên báo Văn số 4, phổ nhạc, và vì anh ấy quen thân với anh Phạm Duy, nên có nhờ anh Phạm Duy sửa chữa, gò nắn gì đấy… Sau đó, anh Mai Trường mời tôi đến nhà. Tôi còn nhớ, vợ anh ấy thuở đó có một tiệm cắt tóc rất lớn ở trên đường Trần Hưng Ðạo. Anh Mai Trường cầm đàn hát cho tôi nghe. Ðó là người đầu tiên phổ thơ của tôi vào nhạc. Tôi cũng không hiểu vì sao anh Mai Trường lại chọn bài Thư cho em để phổ nhạc, với tựa đề Mai em lấy chồng. Bản nhạc đó may mắn được nhiều người ưa thích, và phổ biến đến độ, nó mở đầu cho phong trào « tân cổ giao duyên », tức là cứ hát một đoạn Mai em lấy chồng, rồi lại ca một đoạn cải lương… Bài thơ đó, sau này, các anh Vũ Thành An và Anh Bằng cũng đã cho nó những version âm nhạc khác.
Cổ Ngư : Trong một bài viết, hoạ sĩ-nhà thơ Tạ Tỵ cho biết : ông hoàn toàn không thích các ca khúc phổ thơ. Ông cho rằng nhạc điệu đã hủy hoại, thậm chí giết chết hồn thơ. Là người có rất nhiều thơ được phổ nhạc, xin nhà thơ Du Tử Lê cho biết ý kiến của ông về nhận định vừa nêu của hoạ sĩ-nhà thơ Tạ Tỵ.
Du Tử Lê : Ðây mới là một câu hỏi thực sự khó ! Thứ nhất, có ba loại nhạc sĩ. Tôi không đề cập đến những nhạc sĩ nhận tiền của những người làm thơ để phổ nhạc. Hai loại còn lại : những nhạc sĩ giết bài thơ, và những nhạc sĩ chắp thêm đôi cánh cho bài thơ. Ở trường hợp của tôi, tôi lãnh đủ cả hai loại nhạc sĩ này. Có những nhạc sĩ giúp cho bài thơ đi xa hơn, vì bây giờ, không phải ai cũng đọc, có người chỉ nghe thôi. Nhưng cũng có không ít những nhạc sĩ đã giết bài thơ của tôi. Và, vì tôi có quá nhiều thơ được phổ nhạc, nên tôi đã bị giết rất nhiều lần ! Ðó là chưa kể có những nhạc sĩ lấy thơ của tôi, không chỉ là cái ý, mà cả câu thơ, nhiều câu thơ, làm thành ca khúc, mà không hề đề cập đến tên tôi; dù chỉ là hàng chữ « ý thơ » thôi, cũng không có. Thậm chí, có báo nêu đích danh bài thơ ấy, bản nhạc ấy, nhạc sĩ ấy… nhưng người nhạc sĩ này vẫn lờ đi… Riêng cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ lên tiếng, trong những trường hợp như vậy. Thời anh Nguyên Sa còn sống, tôi từng nói vui với anh Nguyên Sa rằng, tôi có hơn một… bài thơ. Bạn tôi có lấy của tôi một bài thơ, một đoạn thơ thì… cũng chẳng sao… Ðằng nào thì bản nhạc đó, cũng đã « lỡ » nổi tiếng… Bây giờ, công khai lên báo, bắt người đó, phải… nói lại, thì tôi e rằng, sẽ không có gì kẹt hơn cho những người nhạc sĩ đó.
Cổ Ngư : Vì thấy thơ Du Tử Lê được phổ nhạc nhiều như vậy, nên không ít người đã đặt câu hỏi : khi sáng tác một bài thơ, nhà thơ có « chuẩn bị » âm, vần, nhịp điệu… để bài thơ có thể biến thành một ca khúc trong tương lai không ?
Du Tử Lê : Chắc chắn là không ! Vì nếu tôi có sự chuẩn bị như vậy, tôi đã không bị giết nhiều lần như thế !
Cổ Ngư : Trường hợp bài thơ Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau đã lần lượt được hai nhạc sĩ Phạm Duy & Từ Công Phụng phổ thành ca khúc. Xin nhà thơ cho biết thêm một số chi tiết xoay quanh bài thơ và hai ca khúc này. Trường hợp vừa nêu có xảy ra cho bài thơ nào khác của Du Tử Lê không ?
Du Tử Lê : Bài Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau, tôi viết vào năm 1967. Khi bài thơ được in trên báo, anh Phạm Duy tình cờ đọc được và phổ thành ca khúc, dùng điệu ballade – dân ca, có âm hưởng Tây Nguyên. Ngay sau đó, chị Thái Thanh hát bài này và trung tâm Shutguns của anh Ngọc Chánh đã thu thanh ca khúc. Một năm sau, Từ Công Phụng gặp tôi và nói anh ấy tin rằng có thể cho bài thơ một version khác. Vì tôn trọng tác giả, anh Phạm Duy giữ nguyên tựa đề bài thơ Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau, nên Từ Công Phụng không thể giữ nguyên nhan đề, anh cắt đi, chỉ giữ lại bốn chữ chót : Giữ đời cho nhau. Bài hát của Từ Công Phụng, cho đến năm 1975, gần như không có ai hát cả. Nhưng khi ra hải ngoại, tôi không hiểu vì lý do gì, bài hát lại được rất nhiều người biết đến và yêu thích dưới cái tên Ơn em, đến độ họ đem cả vào đám hỏi, đám cưới để hát… Ngoài trường hợp vừa kể, còn có Ðêm nhớ trăng Sài Gòn là bài thơ đầu tiên được anh Phạm Ðình Chương phổ nhạc khi anh ấy đến Hoa Kỳ, sau đó, anh Ngô Tín là người thứ hai phổ nhạc và cho thu băng, còn thêm người thứ ba nữa : anh Võ Tá Hân. Bài Hiến chương yêu có Nguyên Bích phổ nhạc và sau đó, anh Trúc Hồ ở trung tâm Asia cũng phổ nhạc, nhưng lấy tưạ đề khác. Một trường hợp nữa : chị Khúc Lan, lúc còn hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, có phổ nhạc bài thơ Khúc K. riêng chàng, ghi âm qua tiếng hát Nhật Hạ. Bài thơ này, mười năm sau, anh Ðăng Khánh chuyển thành ca khúc, với tên K. khúc của Lê. Hai anh Phạm Anh Dũng và Võ Tá Hân cũng đã phổ nhạc bài thơ này.
Cổ Ngư : Giữa thi sĩ, người làm thơ, và nhạc sĩ, người đưa lời thơ lồng vào giai điệu, chắc hẳn đã có nhiều mối giao tình đặc biệt. Trong những nhạc sĩ phổ thơ Du Tử Lê, có lẽ ba nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, Ðăng Khánh và Trần Duy Ðức có những ca khúc để lại những ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng thính giả, cũng như, có thể cả với nhà thơ Du Tử Lê. Xin nhà thơ kể cho mọi người cùng nghe một vài kỷ niệm đặc biệt của ông với các nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, Ðăng Khánh và Trần Duy Ðức.
Du Tử Lê : Vâng, trong ba nhạc sĩ vừa nêu tên, có một người đã mất, đó là nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. Tôi nhớ, năm 1967, anh Mai Thảo gọi tôi, bảo : « Thằng Chương nó rủ Lê đi ăn đó » !. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi : « Chương nào » ? « Thì Phạm Ðình Chương đó, quý lắm, nó mới mời cậu đi ăn đấy » ! Khi ấy, tôi quen thân với anh Mai Thảo, nhưng lại chưa có dịp tiếp xúc với anh Phạm Ðình Chương… Hôm ấy, anh Phạm Ðình Chương mời anh Mai Thảo, anh Vũ Khắc Khoan và tôi ăn ở Tour d’Argent, tức Ngân Ðình, một nhà hàng tọa lạc trên sông Sài Gòn. Khi đến ăn, anh Phạm Ðình Chương mới cho biết – anh ấy vẫn giữ thói quen xưng hô moa, toa ngay cả với người trẻ hơn : « Moa thích và có phổ nhạc một bài thơ của toa. Ăn xong, cho moa uống tí rượu, ngà ngà, moa hát sơ cho toa nghe. Tối nay, trở về Ðêm Màu Hồng, cô Thanh, Thái Thanh, sẽ hát cho toa nghe ». Ðó là bài Khi cuộc tình đã chết. Khi anh Phạm Ðình Chương hát đến đâu, anh ấy lại cho biết là đã thay đổi như thế nào, cầu kỳ lắm, và anh ấy có vẻ hãnh diện lắm. Tôi không hiểu gì về âm nhạc cả, nhưng lại thấy boring, hơi nản chí nữa ! Ðến tối, khi được nghe tiếng hát và cách trình diễn rất lôi cuốn của chị Thái Thanh, khi ra về, tôi cám ơn anh Phạm Ðình Chương đã đãi tôi một bữa ăn, còn cho tôi đến nghe nhạc ở Ðêm Màu Hồng mà không phải trả tiền – ai đến Ðêm Màu Hồng cũng phải trả tiền cả, kể cả anh Mai Thảo, nhưng hôm đó, anh Phạm Ðình Chương mời, nên đã dặn trước người quản lý là chính anh ấy sẽ trả tiền cho bàn chúng tôi – nên tôi có nói với anh ấy : « Anh Chương ạ, nói anh đừng buồn, hồi chiều nay, ăn thì ngon, nhưng nghe anh hát thì tôi sợ quá ! Tối nay, quả thật, khi nghe chị Thái Thanh hát, tôi lại rất thích ! » Ðó là bài đầu tiên mà anh Phạm Ðình Chương tìm đến với thơ của tôi, bài Khi cuộc tình đã chết.
Với anh Ðăng Khánh, kỷ niệm mà tôi sắp kể ra đây, tôi cho là đẹp, nhưng quý vị nghe, có thể hơi khó chiụ. Tôi nhớ, khi anh Mai Thảo còn sống, khoảng năm 1996, anh Ðăng Khánh có mời anh Mai Thảo, chị Kiều Chinh, Hạnh Tuyền và tôi qua Houston để tổ chức một chương trình cho tôi. Chương trình đêm hôm ấy diễn tiến rất tốt đẹp. Ðêm hôm sau, anh chị Ðăng Khánh rủ chúng tôi đi chơi, để anh Mai Thảo ở nhà. Lúc đi, anh Mai Thảo không chiụ đi. Không ngờ, chúng tôi đi lâu quá ! Khi trở về, hơi trễ, khoảng mười một, mười hai giờ, anh Mai Thảo đã ngồi sẵn ở bàn bếp, đang uống rượu. Vợ chồng Ðăng Khánh vừa bước vào, anh ấy mắng như tát nước : « Cô cậu đối với tôi như vậy là hỗn ! Tại sao mời tôi sang rồi lại để tôi ngồi như thế này » ? Tôi, nhà tôi, vợ chồng Ðang Khánh lặng cả người đi, mặc dù anh Mai Thảo mắng Ðăng Khánh – chủ nhà – chứ không phải là tôi. Nhưng tôi rất phục Ðăng Khánh. Anh ấy chạy lại vỗ vai anh Mai Thảo, nói : « Tụi em xin lỗi anh. Tụi em lại nghĩ anh không thích đi, vì hôm qua, anh mệt quá sau khi dự chương trình của anh Lê, nên muốn để anh ở nhà nghỉ ngơi, và em không ngờ lại về trễ, anh tỉnh dậy trước »… Tôi cho đó là nhân cách đáng kể, đáng quý của Ðăng Khánh. Vì đặt tôi vào vị trí Ðăng Khánh, chưa chắc tôi đã bình tĩnh được như vậy. Cùng lắm là tôi bỏ vào phòng, chứ không thể đến vỗ vai, xin lỗi anh Mai Thảo, nhận lỗi một cách vui vẻ như vậy.
Anh Trần Duy Ðức, với tôi, hoàn toàn xa lạ. Năm 1981, tôi có quen mấy người bạn trẻ : anh Việt Dzũng, anh Lê Văn Hào. Anh Việt Dzũng từ Texas về, không có việc, nói với tôi : « Anh Lê, mình mở quán cà phê » ! Lúc đó, ở Mỹ, không có quán cà phê, chỉ có một quán cà phê duy nhất, nhưng lại có tính cách thương mại. Tôi đồng ý, bỏ tiền ra để Việt Dzũng mở quán cà phê. Tôi còn nhớ Việt Dzũng ngồi bệt trên sàn nhà cùng với Lê Văn Hào, đóng bàn ghế, đóng luôn cả bục gỗ sân khấu… Sau đó, chúng tôi khai trương quán, đặt tên là cà phê Tay Trái. Tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật có ca nhạc. Chúng tôi mời những người nổi tiếng đến hát. Xong, đến phần ai muốn hát thì hát. Khai trương được một tuần, có một người khách rụt rè đến nói với Việt Dzũng : « Anh cho tôi hát, tôi muốn hát một hai bài ». Khi ấy, khách đã về gần hết. Anh ấy lên sân khấu, nói : « Tôi tên Trần Duy Ðức, mới ở đảo qua, tôi xin hát một bài thơ phổ nhạc của Du Tử Lê ». Tôi nhớ, đó là bài Ðời mãi ở phương Ðông, một bài thơ tự do. Tụi tôi nghe, bồi bếp ra nghe hết, rất cảm động ! Anh Trần Duy Ðức hát một hơi bốn bài nhạc phổ thơ của tôi, bài thứ năm, phổ từ thơ của anh Cung Trầm Tưởng. Sau đó, tôi hỏi anh Ðức : « Ở đâu ra thế » ? Anh Ðức cho biết : Hồi đó, anh ở Sư đoàn 2 Không quân, đóng ở Pleiku. Tất cả những bài thơ của tôi mà anh ấy phổ nhạc là đọc được từ trên báo Văn, đặc biệt, toàn là những bài thơ tự do. Rồi rất nhanh chóng, Trần Duy Ðức trở thành một thành viên quán Tay Trái của chúng tôi.
Cổ Ngư : Trên thị trường băng điã nhạc Việt Nam tại hải ngoại, liên tiếp trong ba năm 2000, 2001, 2002, người ta thấy xuất hiện ba CD K. khúc của Lê 1, 2 & 3, gồm các ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê. Vì sao, bên cạnh những tập thơ, truyện, hồi ký, bán hồi ký… ông lại quyết định thực hiện các CD nhạc này ? Xin ông cho biết tiến trình của việc thực hiện các CD K. khúc của Lê, cách chọn ca khúc, viết lời dẫn cũng như nhận định của ông về các ca sĩ trình bày.
Du Tử Lê : Trước tiên, đây là công của anh Ðăng Khánh. Anh ấy thấy có những trung tâm băng nhạc sử dụng rất nhiều những ca khúc phổ từ thơ của tôi, thậm chí làm video về cuộc đời tôi, xuyên qua thơ nhạc, nhưng tôi lại không nhận được một khoản thù lao nào hết. Ðối với tôi, đó là một vinh dự lớn, vì cho tới bây giờ, ngay cả trong nước, vẫn chưa có ai làm một bộ video về các nhà thơ lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, hay nhà văn, như Nguyễn Tuân… chẳng hạn. Tuy nhiên, quý vị và các bạn cũng hiểu, khi thực hiện, bao giờ yếu tố thương mại cũng được các trung tâm chú trọng trước nhất. Vì thế, anh chị Ðăng Khánh mới khuyến khích tôi tự làm lấy CD. Anh chị ấy cho tôi mượn tiền và trả… góp. Gọi là trả góp, sự thực, tôi viết bài hàng tuần cho anh Ðăng Khánh… Nên tôi đề nghị anh chị ấy khấu trừ dần, lương hàng tháng của tôi, cho tới khi hết nợ.
Khi thực hiện CD, tôi có quyền chọn bài tôi thích. Các trung tâm, khi thực hiện CD, chỉ chọn những bài mà họ nghĩ rằng đám đông thích, và chọn những ca sĩ thu thanh mà họ nghĩ là sẽ bán được, mà không cần biết bài hát đó có hợp với ca sĩ không, hay ca sĩ, khi hát, có hiểu lời bài hát không. Các trung tâm băng nhạc không cần biết đến điều đó ! Khi tôi làm CD, tôi làm cho tôi. Trước tiên, chúng tôi quyết định không dùng tiền bán CD để chi tiêu hàng ngày, mà để riêng ra, để có thể thực hiện một CD thứ hai. Ðó là một cách biết ơn bạn. Cũng nhờ vậy mà CD thứ hai và thứ ba ra được.
Tiến trình thực hiện rất phức tạp. Một CD như vậy, bên Mỹ, chúng tôi sẽ tốn từ mười đến mười lăm ngàn đô-la. Tiền gì ? Thứ nhất, bốn ngàn đô-la tiền hoà âm – arrangement – cho người nhạc sĩ tôi chọn. Thứ hai, tốn khoảng hai đến hai ngàn rưởi đô-la tiền thâu, trong phòng thâu của Mỹ. Thứ ba, từ năm đến tám trăm đô-la cho mỗi ca sĩ mà tôi chọn. Ðây là giá đặc biệt các ca sĩ dành cho tôi, vì thông thường, giá trung bình để một ca sĩ thu âm một bài hát là từ một ngàn đến một ngàn năm trăm đô-la. Chúng tôi lại phải thuê người in bìa và ruột CD, rồi lại phải chuyển master đến trung tâm để họ sang ra thành năm hay mười ngàn đĩa CD trước khi tung ra thị trường…
Ðó là sự khởi nguồn cũng như tiến trình thực hiện các CD nhạc của tôi.
Cổ Ngư : Thay mặt độc giả của Thư viện Diên Hồng, xin cảm ơn nhà thơ, qua buổi phỏng vấn này, đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm về các hoạt động của ông, bằng những chi tiết lý thú và cảm động.
You must log in to post a comment.